Những nguyên tắc cơ bản để chung sống an toàn với người bệnh HIV
HIV là nỗi lo sợ, ám ảnh không chỉ của người bệnh mà cả những người thân, gia đình và toàn xã hội. Thực ra mà nói, số trường hợp lây nhiễm và tử vong vì bệnh HIV so với những bệnh truyền nhiễm khác không được coi là cao. Tuy nhiên do bệnh hiện nay vẫn không có thuốc điều trị dứt điểm, cộng với nỗi ám ảnh về một "căn bệnh thế kỷ" nên người bệnh HIV ở thời điểm hiện tại vẫn khó có thể hòa nhập cùng gia đình, xã hội.
Để giảm bớt sự kỳ thị từ người thân, cộng đồng với người bệnh HIV không phải là chuyện có thể làm trong ngày một ngày hai, đó là cả một quá trình với nhiều nỗ lực từ các phương tiện truyền thông, giáo dục, và những nỗ lực từ chính bản thân người bệnh. Một trong những việc quan trọng đó chính là giúp người bệnh và người thân của họ hiểu được làm cách nào để chung sống an toàn với người bị nhiễm HIV
Đối với người bệnh HIV
Không che giấu tình trạng bệnh của bản thân
trước đây nhiều người đánh đồng HIV với tệ nạn xã hội (tiêm chích ma túy, hoạt động mại dâm) nên đa phần khi một người phát hiện mình bị HIV sẽ có tâm lý khép kín, che đậy tình trạng bệnh của bản thân. Tuy nhiên việc người bệnh sống khép kín thì chính người đó sẽ gặp khó khăn hơn về mặt tâm lý khi ngày ngày phải đối mặt với áp lực che đậy bản thân, lo lắng bị phát hiện và càng khó vươn lên, thoát ra khỏi sự tự kỳ thị đó để giúp chính mình và người nhiễm giống mình. Không những thế, việc không chia sẻ bệnh tình của mình sẽ khiến người thân trong gia đình chủ quan, không tìm hiểu, không đề phòng trước những nguy cơ có thể gây lây nhiễm HIV, từ đó vô tình có thể khiến vợ, con, cha, mẹ, anh chị em, bạn bè... bị lây nhiễm HIV từ chính mình.
Sử dụng thuốc kháng virus đúng theo chỉ định của bác sỹ
Điều trị ARV như phòng ngừa HIV: Một trong những cách quan trọng nhất bạn có thể bảo vệ bản thân và bạn đời là sử dụng thuốc điều trị HIV. Điều trị bằng thuốc kháng vi-rút có thể khiến virus khó nhân lên và lây lan trong cơ thể bạn. Nó có thể làm giảm tải lượng virus HIV đến mức không phát hiện được bằng xét nghiệm. Nếu tải lượng virus của bạn xuống mức không thể phát hiện được bằng xét nghiệm thì một số nghiên cứu cho thấy bạn có rất ít hoặc không có nguy cơ truyền HIV cho người khác. Đồng thời, đối với chính bản thân người bị HIV, việc điều trị ARV theo đúng chỉ định cũng là giúp chính họ nâng cao sức đề kháng, có một cơ thể khỏe mạnh, và đạt được tuổi thọ cao như người bình thường.
Thăm khám định kỳ
CD4 là một tế bào rất quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể, nó giúp cơ thể nhận biết các kháng nguyên lạ, điều hòa hệ thống miễn dịch của cơ thể để bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân nguy hại như vi khuẩn, virus. Số lượng tế bào này càng cao chứng tỏ hệ thống miễn dịch của bạn càng khỏe.
Khi virus hoạt động nó gắn vào tế bào CD4, ADN của virus gắn vào ADN của tế bào và tế bào này trở thành nơi sản xuất virus HIV. Virus phá vỡ cấu trúc tế bào, làm giảm số lượng tế bào và tiếp tục nhân lên phá vỡ các tế bào khác làm cơ thể không thể chống đỡ lại được chúng.
Vì thế, kể cả khi đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV bạn vẫn cần tuân thủ lịch khám theo đúng hẹn của bác sỹ. Khi đi khám bạn sẽ được bác sỹ làm xét nghiệm đếm số lượng tế bào CD4, từ đó sẽ có những kết luận về hoạt động của hệ thống miễn dịch đồng thời giúp theo dõi quá trình điều trị của bệnh nhân nhiễm HIV có hiệu quả như thế nào, từ đó có thể giúp bác sỹ quyết định tiếp tục điều trị theo phác đồ cũ hay cần bổ sung, điều chỉnh hay thay thế thuốc.
Ảnh minh họa
Đối với người chung sống cùng người bệnh HIV
Lưu ý những hành vi không gây ra sự lây nhiễm để tránh thái độ kỳ thị thái quá
Bạn có thể ăn uống, sử dụng chung bàn, ghế, giường, tủ... với những người nhiễm HIV/AIDS mà không sợ lây nhiễm nhưng với điều kiện những đồ đạc, dụng cụ đó không dính máu của người bệnh
Người nhiễm HIV/AIDS có thể ngủ cùng với những người khác trong gia đình mà không sợ lây virus cho người đó. Người nhiễm HIV và người ngủ cùng vẫn có thể ôm ấp, nhưng tránh không để cho các chỗ da bị tổn thương của hai người tiếp xúc với nhau. Tương tự, người nhiễm HIV/AIDS có thể mặc chung quần áo với người khác.
Những việc quan trọng cần nắm chắc để phòng ngừa lây nhiễm
Không tiếp xúc trực tiếp với dịch, máu của người bệnh kể cả khi không rõ bản thân có vết thương hở hay không, vì đôi khi trên cơ thể có nhiều vết thương hở nhỏ mà bản thân ít để ý, đây có thể là đường xâm nhập cua virus vào bên trong cơ thể người lành.
Bên cạnh đó, bệnh nhân và người chung sống cần phải dùng riêng một số đồ dùng như: bàn chải đánh răng, dao cạo, cái nạo lưỡi, đồ làm móng tay.
Đối với bàn, ghế, giường bị dính máu, mủ, tinh dịch của người bị nhiễm thì cần được làm sạch đúng cách để phòng lây nhiễm. Đổ dung dịch Chlorine 0,5% hoặc Javen lên bề mặt bị dính máu, mủ, dịch chờ 10 - 20 phút, sau đó đeo găng tay cao su và dùng nước sạch cọ rửa chỗ bẩn đó. Nếu không có hóa chất trên thì dùng xà phòng bột hòa nước thay thế.
Nếu người trong gia đình bị những vật bén nhọn dùng cho bệnh nhân nhiễm HIV như kim tiêm, dao cạo... làm bị thương, cần để máu chảy và rửa vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng, sát trùng bằng cồn 70 độ. Sau đó, phải liên hệ ngay với cơ sở điều trị để được hướng dẫn điều trị dự phòng. Nên tới trung tâm y tế dự phòng sớm bởi thời gian vàng để uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV (PrEP) là trong vòng 72h đầu từ khi có hành vi nguy cơ.
Ảnh minh họa
Lư ý trong hoạt động tình dục với người bị HIV. Gần đây, người ta đã nghiên cứu và chứng minh là một người nhiễm HIV uống thuốc kháng vi rút (ARV) hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (Tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện được định nghĩa là dưới 200 bản sao/1mL máu) sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang cho bạn tình của họ qua đường tình dục. Thông thường điều này thường đạt được sau khi tiến hành điều trị từ trên 6 tháng. Tuy nhiên, điều này không chắc chắn 100%, vì thế, khi quan hệ tình dục với người bị HIV cần sử dụng biện pháp an toàn đó là dùng bao cao su (có loại bao cao su nam và bao cao su nữ). Trong trường hợp bao cao su bị rách, người có quan hệ tình dục với người bệnh cần tới trung tâm y tế dự phòng để được tư vấn sử dụng thuốc chống phơi nhiễm trong trường hợp cần thiết.
Bài tham khảo