Những loại gia vị mẹ có thể nêm vào đồ ăn dặm của bé
Muối
Natri và Clo, thành phần chủ yếu của muối, là hai nguyên tố có vai trò hết sức quan trọng trong cân bằng thể dịch trong cơ thể, sự tồn tại và hoạt động bình thường của tất cả các tế bào, hoạt động chức năng của tất cả các cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Điều này có nghĩa rằng dù là bé mới sinh hay đã lớn đều cần muối.
Tuy nhiên, tùy vào từng độ tuổi mà lượng muối khác nhau. Cụ thể:
Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần ít hơn 1g muối/ngày
Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 1 tuổi nhu cầu muối khoảng 1g.
Trẻ trên 1 tuổi cần khoảng 2g.
Trong khi đó, ở các thực phẩm tự nhiên như ngũ cốc, hoa quả, thịt gia cầm, cá, trứng, rau tươi đều có 1 lượng muối nhất định. Với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ dưới 1 tuổi, lượng muối trong các thực phẩm này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu muối của cơ thể trẻ.
Nhiều mẹ thắc mắc, không cho ăn muối con bị thiếu iod thì sao? Tuy nhiên, trẻ dưới 1 tuổi không ăn muối cũng chẳng lo thiếu iod. Lý do đơn giản: Trẻ dưới 1 tuổi chỉ cần 50 mcg iod mỗi ngày. Các bé vẫn còn uống sữa và sữa mẹ, sữa bò, sữa công thức lại là một trong những hàng đầu về hàm lượng iod.Ngoài ra, trong các món ăn bé ăn hàng ngày cũng đã đủ lượng iod cần thiết cho não trẻ như: Tảo biển: 1.800mcg, Rau chân vịt: 164mcgrau dền: 50mcg, rau cải xoong: 45mcg, cá thu: 45mcg, nấm mỡ: 18mcg, cá trích: 52mcg, khoai tây: 4,5mcg, bầu dục: 36,7mcg, súp lơ: 12mcg…
Đường
Giai đoạn bú sữa mẹ, trẻ đã được dung nạp lượng đường qua sữa mẹ hoặc sữa công thức. Chỉ khi bắt đầu ăn dặm mới cần lưu tâm đến hàm lượng đường. Vẫn ưu tiên cho đường tự nhiên có trong rau củ quả, bổ sung qua món ăn chế biến hoặc ép lấy nước uống.
Sau đây là bảng thống kê lượng đường cần thiết cho trẻ theo độ tuổi (tính khẩu phần trung bình trong 1 ngày):
40g – 1 đến 3 tuổi
50g – 3 đến 6 tuổi
Bác sĩ khuyên rằng chỉ cho trẻ ăn đủ lượng đường thích hợp chứ không quá nuông chiều trẻ trong việc ăn bánh kẹo ngọt. Vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.
Mì chính (bột ngọt)
Các mẹ lưu ý không nên cho bé dưới 2 tuổi ăn mì chính. Các mẹ nên bổ sung chất ngọt cho bột, cháo của bé từ thịt, cá, cua, tôm.Trong bột ngọt chứa rất nhiều glutamate gây ức chế thần kinh trẻ, co giật, đau đầu… và dẫn đến nhiều hệ lụy khác cho trẻ. Ngoài ra, việc lạm dụng bột ngọt sẽ khiến trẻ hấp thụ canxi kém dẫn tới tình trạng loãng xương.
Mẹ lưu ý cũng không nên thay thế mì chính bằng hạt nêm. Vì trong thành phần của hạt nêm cũng có mì chính.
Nước mắm
Khi bé được trên 12 tháng tuổi, bé có thể ăn mặn hơn lúc mới tập ăn dặm. Nếu nêm muối, bột canh thay cho nước mắm, các mẹ đã lãng phí mất lượng canxi đáng kể trong nước mắm.
Lúc đầu, các mẹ cho bé làm quen dần với gia vị mới này bằng cách chỉ cho vào bột, cháo của bé vài giọt nước mắm. Sau đó, mỗi bữa mẹ nên cho vào bột, cháo của bé nửa thìa cà phê nước mắm. Cũng tùy theo thức ăn và lượng ăn của bé để mẹ nêm cho phù hợp.
Những loại gia vị an toàn cho bé
Phô mai
Mẹ có thể cho một lượng phô mai phù hợp vào bát bột, cháo của bé thay thế cho nước mắm, muối. Vì phomai cũng có vị mặn. Nên cho phomai vào bát bột của bé sau khi cho dầu ăn, như vậy, bát bột, cháo của bé cũng sẽ thơm, ngon, ngậy và không quá nhạt.
Nên tìm mua loại phômai có hàm lượng natri thấp và kiểm tra bao bì cẩn thận vì bạn có thể ngạc nhiên vì lượng muối trong một loại phômai nào đó.
Dầu ăn
Sai lầm của nhiều mẹ khi nấu bột/cháo cho trẻ là không sử dụng dầu ăn làm gia vị cho bé 1 tuổi trong khi đây là môi trường cần thiết để cơ thể chuyển hóa các chất đạm. Suy nghĩ dầu ăn dễ làm bé bị béo phì là hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, đây là gia vị không thể thiếu nếu Mẹ muốn cho bé ăn ngon chóng lớn. Mỗi một độ tuổi sẽ có những sản phẩm dầu ăn phù hợp cho trẻ.
Từ 6 tháng đến hết 6 tháng tuổi: dầu oliu (loại virgin/extra virgin) hoặc dầu hướng dương 100%, chỉ cần 1/2-1 muỗng cà phê/ngày, không quá 4 ngày/tuần.
Từ 7- 12 tháng: dầu oliu, dầu đậu nành, dầu hướng dương (không cần 100% thành phần), dầu óc chó... Liều dùng 1-2 muỗng/ngày, không quá 4 ngày/tuần.
Các mẹ có thể chọn một loại dầu ở trên hoặc kết hợp nhiều nhất là hai loại để thức ăn có vị phong phú, đa dạng hơn cho bé.
Thảo mộc
Để làm tăng mùi vị cho món ăn của con, mẹ có thể sử dụng một số loại gia vị sau:
- Vani
- Tiêu
- Tỏi – nghiền nhỏ hay bột
- Húng quế
- Thì là
- Kinh giới
- Vỏ chanh
- Gừng
- Quế
- Bạc hà
Đây là những loại gia vị khá “hiền” và có thể dễ dàng kết hợp trong món ăn của bé. Đặc biệt, nếu được nếm thử các món được chế biến với nhiều loại gia vị ngay từ khi con nhỏ cũng sẽ hạn chế được tình trạng kén ăn khi trẻ lớn lên.