Con dâu và mẹ chồng cãi nhau, con trai thản nhiên ngồi chơi điện tử...
Chồng tôi đi bộ đội, tôi sinh mổ. 7 ngày từ viện về tôi phải tự tay làm hết từ tắm cho con đến cơm nước vì mẹ chồng bảo không biết làm. Khi con được vài tháng tôi đi làm, nhờ mẹ chồng ở nhà pha sữa, nấu bột cho cháu bà bảo bà không biết làm và bảo tôi pha sẵn sữa, nấu sẵn bột ủ vào rồi bà cho cháu ăn, uống. Thời gian chồng đi bộ đội, tôi là người lo kinh tế nuôi 2 đứa con. Khi chồng về cũng chẳng giúp được gì vì đi làm chỗ nào cũng bỏ dở. Có hôm tôi đi làm bảo chồng đáng răng cho con, mẹ chồng bảo nó không phải làm việc đó.
Hôm nay tôi ức chế quá vì công việc nhiều lại không ai giúp đỡ việc nhà, tôi đã cãi nhau tay đôi với mẹ chồng. Tôi bảo tại sao mẹ là giáo viên mầm non mà không biết chăm trẻ con, bà bảo con mày mày phải có trách nhiệm, việc tắm cho con lúc mày ở cữ không phải là việc của tao. Tôi đã cãi bà, bà bảo tôi hỗn láo rồi đuổi tôi đi. Lần đầu tiên tôi cãi sau 6 năm làm dâu. Chồng tôi thì cứ ngồi chơi điện tử coi như không có chuyện gì xảy ra khi mẹ và vợ cãi nhau.
Tôi cảm thấy buồn vô cùng, chỉ muốn bỏ đi đâu đấy vì thời gian chăm 2 con không có chồng, tôi đã bị stress, tôi hay nổi nóng. Xin hãy chỉ cho tôi biết tôi phải làm gì?

Chào bạn!
Chương trình hiểu rằng bất cứ người phụ nữ nào cũng rất cần một chỗ dựa tinh thần của người chồng và sự giúp đỡ từ gia đình, điều đó càng đặc biệt quan trọng trong những giai đoạn nhạy cảm như mang thai hoặc mới sinh. Song, trong những thời kì quan trọng ấy bạn lại không có được điều đó khi mà chồng ở xa, còn mẹ thì dường như lại tỏ vẻ thờ ơ, ít quan tâm con dâu, cháu nội. Hẳn những điều đó đã làm bạn vừa tủi thân, vừa tổn thương và khó chịu, thậm chí ức chế về thái độ của chồng và cách cư xử của mẹ.
Trong cuộc sống gia đình, ắt sẽ không thể nào tránh khỏi những mâu thuẫn, dù ít dù nhiều. Song, những mâu thuẫn ấy sẽ được loại bỏ, được kìm chế hay trở nên sâu sắc hơn là do sự nhìn nhận, cách cư xử của cả hai bên đối với nhau. Để mâu thuẫn nảy sinh thường sẽ xuất phát từ cả hai phía, vì vậy có lẽ sẽ không có ai hoàn toàn đúng và hoàn toàn sai.
Phản ứng của bạn ngày hôm đó là sự dồn nén từ rất nhiều ngày tháng và có lẽ đã đi quá giới hạn chịu đựng của bạn. Song, dẫu sao việc con “cãi tay đôi” với mẹ vẫn là một điều không nên bởi mình vẫn là con vì vậy việc làm đó trước hết là ảnh hưởng đến bản thân bạn. Thái độ của mẹ hẳn khiến bạn không hài lòng vì bà không giúp bạn trông cháu với lý do không biết làm là điều không thực sự thuyết phục vì bà cũng đã từng sinh con, hơn nữa còn là giáo viên mầm non nên không thể không biết chăm sóc trẻ, thậm chí là giỏi. Vì vậy có lẽ mẹ bạn không biết chăm trẻ không phải là lý do chính mà vấn đề là bà không muốn làm vì có thể bà sợ làm không tốt, không đúng với ý bạn khiến bạn không hài lòng hoặc hoặc bà không quý cháu, quý con. Do vậy, việc quan trọng có lẽ là tìm hiểu xem điều gì khiến bà có thái độ như vậy để có cách cư xử phù hợp hơn thay vì phân bua hay đôi co với mẹ.
Qua những điều bạn chia sẻ, chương trình cảm nhận rằng dường như mối quan hệ giữa bạn và mẹ không được hài hòa lắm, không biết điều đó bắt đầu từ khi bạn về làm dâu hay chỉ mới đây? Chắc hẳn phải có lý do nào đó khiến mẹ bạn có thành kiến như vậy. Tìm hiểu xem điều đó là gì sẽ giúp bạn biết mình nên làm như thế nào để cải thiện tình cảm mẹ con. Chủ động nói chuyện với mẹ xem mẹ có điều gì không hài lòng, mẹ mong muốn gì. Để bà thay đổi, có lẽ sự thay đổi ấy phải bắt đầu từ bạn nhiều hơn bởi người già thường có sự bảo thủ nhất định, vì vậy không dễ để chủ động thay đổi. dẫu sao cùng sống trong một gia đình, mâu thuẫn tồn tại chỉ khiến không khí gia đình thêm căng thẳng, ngột ngạt và đương nhiên trước hết là ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, tâm trạng của bạn mỗi khi về nhà.
Còn về việc giúp bạn trông con. Dẫu sao con vẫn là con của vợ chồng bạn, đương nhiên trách nhiệm sẽ hoàn toàn thuộc về bạn và chồng, mẹ chỉ là người giúp đỡ. Nếu như không có mẹ, mọi việc chăm con đều sẽ là của vợ chồng bạn, vì vậy có lẽ không nên quá trông chờ vào sự hỗ trợ của mẹ mà quan trọng hơn hết đó là chồng bạn. Qua những điều bạn chia sẻ, cho thấy rằng tình cảm vợ chồng bạn dường như không được tốt và có lẽ đó mới là nguyên nhân lớn nhất tác động đến tinh thần, tâm trạng hàng ngày của bạn. Với bất kì người phụ nữ nào, thì sự quan tâm, động viên của chồng là nguồn hỗ trợ tinh thần lớn nhất và khi vợ chồng vui vẻ, hòa thuận thì mối quan hệ gia đình cũng sẽ thay đổi theo.
Vợ chồng đến với nhau bằng sự tự nguyện để đem lại hạnh phúc cho nhau, cùng xây dựng một tổ ấm chung, vì vậy hai người phải bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, mọi công việc trong gia đều phải san sẻ và giúp đỡ nhau. Do vậy, bạn cân nhắc nói chuyện với chồng để anh ấy nhìn nhận về vai trò một người chồng, người cha của mình, cần phải có trách nhiệm hơn nếu thực sự muốn giữ gìn gia đình này.
Những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hôn nhân là không thể tránh khỏi, song với cách nhìn nhận khác nhau, mỗi người sẽ có một cách cư xử và sẽ đưa đến một kết quả khác nhau. Nhìn nhận sự việc một cách tích cực sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn và có cách giải quyết mâu thuẫn thấu đáo, hợp lý hơn mà vẫn giữ hòa khí gia đình.
Chúc gia đình sẽ tìm được tiếng nói chung!