Làm gì khi con bị chậm nói?
Cho em hỏi vấn đề trẻ em chậm nói: Con trai của chị gái em năm nay đã hơn 3 tuổi nhưng hiện tại cháu có biểu hiện rất chậm nói. Về thể chất cháu khá chắc chắn, ăn uống tốt, khỏe mạnh. Cháu nói rất ít, các từ ba, bà, mẹ... chưa thấy cháu nói bao giờ. Có điều cháu rất hay tập đếm nhưng cũng không phát âm rõ lắm. Các từ cháu phát âm rất bé và khó nghe. Nhờ chuyên gia và bác sĩ tư vấn giúp ạ.

Chào em!
Em đang lo lắng về sự phát triển ngôn ngữ, nhận thức của cháu trai mình, em nhận định rằng cháu đang mắc chứng chậm nói khi mà đã hơn 3 tuổi nhưng nói rất ít, thậm chí là các từ đơn đơn giản.
Không biết gia đình đã từng có biện pháp nào để cải thiện tình trạng này của bé? Gia đình có từng đưa cháu đi thăm khám về vấn đề này? Một số câu hỏi có thể giúp em có những đánh giá ban đầu về khả năng ngôn ngữ của cháu như: Cháu có cố gắng nói không? Bé có học được thêm các từ mới không? Bé có bắt chước âm thanh, lời nói hoặc hành động của mọi người? Bé có nhận ra và phản ứng khi người khác gọi tên mình không? Bé có làm được theo các chỉ dẫn đơn giản? Bé có khó khăn trong việc hiểu lời nói của mọi người?
Theo chia sẻ của em, sự phát triển ngôn ngữ của cháu có vẻ chậm hơn so với mức độ phát triển bình thường của một trẻ 3 tuổi, tuy nhiên, có lẽ gia đình cần sắp xếp thời gian đưa cháu đến cơ sở y tế để thăm khám sớm nhất và phát hiện ra vấn đề của cháu. Bởi cũng không loại trừ khả năng cháu mắc một vấn đề khác nên ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ của cháu. Gia đình có thể cân nhắc đến Bênh viện Nhi trung ương (Hà Nội) hoặc Bệnh viên Nhi đồng 1, 2 (Hồ Chí Minh) để kiểm tra cho cháu, bởi các bệnh viên đa khoa tỉnh hầu như không thăm khám hoặc chữa trị được về vấn đề này. Bên cạnh đó, em cũng có thể tìm đến các trung tâm, tổ chức can thiệp cho trẻ đặc biệt (chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển…).
Bên cạnh đó, sự tác động của gia đình trong việc cải thiện khả năng của cháu là rất quan trọng. Một số biện pháp giúp cải thiện ngôn ngữ của cháu như: đọc cho trẻ nghe những cuốn sách mà trẻ có thể bắt chước cử động, hoặc có các hình ảnh sinh động, gần gũi với đời sống; tận dụng mọi tình huống hàng ngày để khuyến khích trẻ nói và bộc lộ ngôn ngữ; tăng thời gian giao tiếp, trò chuyện giữa cha mẹ, các thành viên trong gia đình với cháu; hạn chế các thiết bị công nghệ như điện thoại smartphone, máy tính, giảm thời gian xem tivi.
Tuy nhiên, gia đình cần cân nhắc đưa cháu đi thăm khám và có biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt, vì trẻ càng lớn sẽ càng khó để thay đổi hoặc cải thiện chậm hơn. Điều đó sẽ rất ảnh hưởng đến khả năng nhận thức của cháu, có thể sẽ không theo kịp được các bạn cùng trang lứa.
Thân ái!