Gọi 19006802
Tư vấn trực tiếp:Tâm lý - Tình yêu - Hôn nhân - Giới tính - Mang thai - Trẻ em - Sức khỏe sinh sản - HIV - Bệnh XH
Thưa các chuyên gia, bé nhà cháu năm nay được hai tuổi. Bé sinh ngày 25/12, nhưng đến ngày 25/3 mới được tiêm lao (do hoãn tiêm vì thời tiết và cháu bị bệnh).Khi được 7 tháng, bé nhà cháu lên hạch phản ứng lao ở dưới nách trái.
Sau quá trình thăm khám, bác sĩ đã chính mổ hạch cho cháu, hiện nay cháu hoàn toàn bình thường. Vậy cháu có cần tiêm phòng lại không? Gần đây, bé nhà cháu có tiếp xúc với người bị bệnh lao, vậy cháu có cần phải làm gì để tránh trường hợp bé bị lây bệnh lao? cháu cảm ơn!
Chào em!
Sau khi tiêm vắc xin phòng lao, bé có thể có các phản ứng phụ, tùy vào cơ địa của mỗi bé mà các phản ứng phụ của các bé khác nhau cũng khác nhau, mức độ nặng nhẹ cũng khác nhau. Phần đa các cháu đều có phản ứng nhẹ, thường gặp như quấy khóc, chán ăn, mệt, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, nổi ban và nổi nốt sần. Các nốt sần nhỏ ở chỗ tiêm thường mất đi trong vòng 30 phút.
Triệu chứng sốt nhẹ nổi hạch, áp xe tại chỗ thường xuất hiện 24 giờ sau khi tiêm chủng và chỉ tồn tại trong vòng 1 – 3 ngày rồi sau đó tự hết mà không phải điều trị can thiệp gì. Viêm hạch, sưng hạch cũng thường xuất hiện sau khi tiêm vaccin phòng lao từ 3 đến 5 tuần và sẽ tự biến mất khoảng 1 tháng sau mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Khoảng 2 tuần đến 1 tháng sau, tại chỗ tiêm xuất hiện một vết loét. Vết loét này tồn tại một vài tuần rồi tự khỏi để lại sẹo đường kính khoảng 5mm.
Ðây là dấu hiệu cho thấy trẻ đã có miễn dịch, việc tiêm vắc-xin đã có hiệu quả đối với trẻ.Một số phản ứng hiếm gặp sau tiêm phòng lao là viêm tủy, nhiễm trùng BCG toàn thân, viêm hạch bạch huyết có mủ xuất hiện từ 2 – 6 tháng sau tiêm BCG.
Nổi hạch nách trái sau chích ngừa lao (vacxin BCG) là 1 phản ứng miễn dịch thường gặp ở trẻ sau khi được tiêm ngừa, hạch này còn gọi là viêm hạch lympho hay viêm hạch mủ. Những trường hợp này, hạch nách trái nổi lên với kích thước nhỏ, hơi đỏ, đau, mềm, di động, có thể tự mất đi, hoặc sau đó hạch vỡ, dò kéo dài trong vài tháng rồi lành tự nhiên.
Một số trường hợp cần dùng thêm thuốc kháng viêm thì hạch mới tiêu đi. Nếu hạch có kích thước lớn trên 20mm, nhiều khả năng bác sỹ sẽ có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ hạch (vì hạch không thể teo nhỏ lại). Có thể cháu nhà em là một trong số các trường hợp này. Tuy nhiên như thế em cũng không phải lo lắng vì trong cơ thể cháu cũng đã có miễn dịch rồi nên có thể phòng chống vi khuẩn lao được. Tuy nhiên nếu muốn chắc chắn điều đó hơn thì em cũng có thể đưa bé đi làm phản ứng Mantoux (phản ứng da tuberculin).
Qua đó thì bác sỹ sẽ tư vấn cho em là con em có miễn dịch hay chưa, và có cần tiêm lại hay không em nhé. Còn việc tiếp xúc với người bệnh lao thì với cháu nhỏ cũng nên hạn chế mặc dù đã được tiêm phòng cẩn thận, bởi vì nhiều trường hợp đã tiêm phòng nhưng nguồn lây quá mạnh thì vẫn bị lây nhiễm, do đó nên hạn chế tiếp xúc giữa cháu nhỏ với người bị bệnh lao em nhé.
Chúc em và gia đình sức khỏe!