Gọi 19006802
Tư vấn trực tiếp:Tâm lý - Tình yêu - Hôn nhân - Giới tính - Mang thai - Trẻ em - Sức khỏe sinh sản - HIV - Bệnh XH
Chào bác sĩ,bé nhà em được 14 ngày tuổi mỗi lần bé bú bình em pha sữa công thức cho bé khoảng từ 60-90ml ạ,bé ăn xong một tẹo sau trớ hoặc bé rưới người chân tay khua tay múa chân bé cũng trớ. Hoặc khi bé ngủ dậy đặt bé năm ngủ bé nhà em cũng hay bị trớ. Vậy bác sĩ cho em hỏi làm cách nào để cho bé đỡ trớ hơn không ạ,và bé trớ như vậy có ảnh hưởng gì tới sự phát triển của bé không ạ EM CẢM ƠN BÁC SĨ!
Chào em!
Trớ là sự di chuyển của chất trào ngược từ dạ dày qua hầu họng lên miệng với số lượng ít, do sự co bóp của dạ dày.
Các nguyên nhân gây nôn trớ thường gặp ở trẻ sơ sinh là :
Cho bé bú quá nhiều: Lúc mới sinh dưới 1 tháng, kích thước dạ dày của bé rất nhỏ, mỗi lần chỉ nên cho con uống khoảng 30ml, sau đó tăng dần lên 60ml, 1-2 tháng tuổi mỗi lần mẹ có thể cho bé uống từ 90 – 120ml, mỗi bữa cách nhau 2-3 giờ, khi trẻ lớn hơn thì 3-4 giờ .
Nguyên nhân thứ hai là cho trẻ bú mẹ không đúng tư thế, hoặc bú bình chưa đúng cách, làm trẻ nuốt phải nhiều khí vào dạ dầy gây nôn trớ. Với những bé bú bình, mẹ nên giữ bình sữa nghiêng 45 độ và dùng núm vú đặc biệt để tránh bé nuốt quá nhiều khí thừa. Đồng thời, khi cho bé ăn xong, mẹ không nên để bé nằm ngay lập tức mà nên tìm cách cho bé ợ hơi để “giải thoát” bớt lượng khí thừa, tránh làm con bị đầy bụng, khó tiêu như bế cháu lên vỗ nhẹ sau lưng trẻ. Không nên đặt trẻ vừa ăn no đã đặt trẻ nằm ngay hay quấn tã chăn quá chặt, băng rốn chặt.
Ngoài ra có thể gặp các nguyên nhân nôn trong bệnh nội khoa: Các bệnh về đường tiêu hóa hoặc ngoại khoa như do dị tật đường tiêu hóa: hẹp phì đại môn vị, hẹp tá tràng bẩm sinh, thoát vị hoành, teo thực quản (thường nôn ngay trong những ngày đầu mới sinh) . Nếu nghi ngờ em cũng nên đưa cháu đi thăm khám chuyên khoa nhi để bác sỹ kiểm tra và chẩn đoán cho mình em nhé.
Ngay khi trẻ nôn trớ phải nghiêng ngay đầu trẻ sang một bên để trẻ không bị sặc chất nôn,sẽ có thể gây bít tắc đường thở, nguy hiểm tính mạng. Sau đó nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ (miệng trước, mũi sau), bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong mồm và họng trẻ. Khum tay vỗ nhẹ hai bên lưng giúp trẻ ho bật nốt chất nôn còn lại trong họng ra ngoài. Mẹ lau cổ và người trẻ bằng nước ấm, thay những đồ vải có dính chất nôn cho trẻ để trẻ được sạch sẽ em nhé. Nếu trẻ thường xuyên nôn trớ cũng có thể khiến thiếu hụt chất dinh dưỡng cung cấp cho sự phát triển của trẻ nên mẹ cần theo dõi cân nặng của trẻ thường xuyên em nhé.
Chúc gia đình sức khỏe!