Cách phòng tránh tốt nhất để thai nhi không bị tật đầu nhỏ?
- Chào bác sỹ, em năm nay 24 tuổi, mới phải đình chỉ thai nghén do tật đầu nhỏ ở thai nhi(não bé hơn so với tuổi thai) khi thai nhi được 28 tuần tuổi ở bệnh viện phụ sản trung ương. Em muốn hỏi bác sỹ là có cách nào xác định được nguyên nhân thai nhi bị như vậy không?
- Lần sau em muốn sinh em bé khác thì phải sau khoảng thời gian bao lâu từ lúc đình chỉ thai nghén? Khả năng lần sau sinh em bé có lại bị bệnh đầu nhỏ như lần trước không? Cách phòng chống hiệu quả nhất (ăn uống,thuốc...như thế nào) để có thể em bé lần sau mang thai khoẻ mạnh, không bị đầu nhỏ nữa? Em xin cảm ơn!

Chào em.
Chương trình xin chia sẻ với nỗi lo lắng của em. Tật đầu nhỏ là dị tật bẩm sinh hiếm gặp, thường thì tật đầu nhỏ được phát hiện muộn vào 3 tháng cuối của thai kỳ, khi sinh ra em bé sẽ có đầu nhỏ hơn bình thường và não bộ chưa phát triển hoàn thiện. Có nhiều nguyên nhân gây tật đầu nhỏ ở trẻ trong đó Zika đứng đầu trong số các tác nhân vi sinh gây di tật đầu nhỏ. Ngoài ra, có nhiều căn nguyên khác gây hội chứng đầu nhỏ, teo não, ví dụ như: vi rút Rubella cũng gây hội chứng đầu nhỏ dù tỷ lệ thấp hơn. Teo não bẩm sinh còn do ký sinh trùng Toxoplasmas. Ký sinh trùng này nếu nhiễm ở phụ nữ mang thai sẽ lây trực tiếp cho thai nhi, có thể xảy ra trong tử cung hay trong khi sinh, gây thương tổn thần kinh bẩm sinh, não kém phát triển. Yếu tố di truyền như: đứt gãy nhiễm sắc thể trong quá trình hình thành thai nhi trong bụng mẹ cũng gây dị tật đầu nhỏ.
Không biết trong quá trình mang thai em có bị nhiễm bệnh gì không, có dùng thuốc gì trong khi mang thai không, em nên chú ý tới sức khỏe, chế độ ăn uống, tiêm phòng thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, cúm, đặc biệt tránh muỗi đốt; tránh lây nhiễm vi rút từ người nhiễm Zika, từ người có yếu tố nguy cơ (đi về từ vùng có dịch); từ người có biểu hiện bệnh: sốt, nổi ban, đau cơ khớp, viêm kết mạc.… trước và trong khi mang thai để có sức khỏe tốt.
Nếu như em có ý định mang thai thì cũng nên để 6 tháng -1 năm sau khi đình chỉ thai nghén để có sức khỏe tốt hơn cho lần mang thai tiếp theo. Nếu như người nhà đã có người bị dị tật đầu nhỏ, dị tật do bất thường nhiễm sắc thể thì em nên chú ý phải sàng lọc trước sinh sớm nhất.
Em nên tạo tinh thần thoải mái, không nên quá căng thẳng, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, khám sức khỏe tổng quát, tiêm phòng trước khi mang thai để sẵn sàng cho quá trình mang thai diễn ra một cách tốt nhất em nhé.
Chúc gia đình sức khỏe!
chào bác sỹ
em muốn hỏi thêm một chút là sau khi đình chỉ thai nghén,em nên đợi khoảng thời gian sau bao lâu thì có thể tiêm phòng các bệnh để tránh e bé bị bệnh đầu nhỏ?Sau khi tiêm phòng xong thì nên đợi thời gian bao lâu sau thì nên mang thai lại?tiêm phòng các loại bệnh này thì tiêm ở trạm xá có kh ạ?hay phải lên các tuyến trên?
em xin cảm ơn!
Chào em! Vấn đề này em nên đến trung tâm y tế dự phòng để được tư vấn đầy đủ nhất em nhé.