Kết hôn ở đời thứ 5 có nguy cơ sinh ra con bị dị tật hay không ?
Chào chương trình !
Ông Tổ(H) tôi có 2 người con trai là ông cố (Th) ông cố (T). Ông cố (th) sinh ra ông (Đ). Ông (Đ) lại sinh ra cô ( C) và cô (C) lại sinh ra chị (D). Còn ông cố (T) thì sinh ra ông ( T). Ông (T) có một người con là cha tôi (th).Tôi và chị (D) quen và tìm hiểu được 5 tháng và đang muốn kết hôn với nhau. Theo gia phả thì chúng tôi là anh em trong họ,vậy nếu kết hôn với nhau có vi phạm pháp luật không? Và thứ nữa tôi và chị ( D) đến với nhau mà có con, thì con có bị dị tật hay chậm phát triển gì hay không ? Nhờ chương trình tư vấn giúp tôi với.
Tôi xin cảm ơn !

Chào bạn !
Tại khoản 2 điều 5 của luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định việc những người có họ trong phạm vi 3 đời kết hôn với nhau là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong đó, những người trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba việc vi phạm điều cấm khi kết hôn thuộc trường hợp bị coi là kết hôn trái pháp luật và có thể bị hủy khi có yêu cầu. Dựa theo những thông tin mà bạn gửi cho chúng tôi, thì bạn và chị (D) thuộc đời thứ 5, nên hai bạn hoàn toàn có thể kết hôn với nhau được.
Thông thường, trong cơ thể người sẽ tồn tại khoảng từ 500 – 600 nghìn gen, trong số này sẽ tồn tại những gen lặn bệnh lý, chưa có cơ hội phát tác thành bệnh gây hại. Gen lặn bệnh lý có tồn tại dai dẳng hay di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu cuộc hôn nhân được tiến hành với người khác dòng họ thì nguy cơ bệnh bộc phát thường không cao. Trái lại, việc kết hôn cận huyết chính là điều kiện thuận lợi cho những gen lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau, sinh ra những đứa con bệnh tật hoặc dị dạng di truyền như bệnh tan máu bẩm sinh, da vẩy cá, bạch tạng, mù màu, lùn, đần độn… Đây chính là một lý do để nhà nước đề ra quy định cấm kết hôn trong phạm vi ba đời.
Việc bạn và chị (D) kết hôn với nhau sẽ là an toàn và không ảnh hưởng nhiều tới chuyện con cái của các bạn về sau này. Tuy nhiên, để chắc chắn nhất về vấn đề mà bạn đang lo lắng thì hai bạn nên đi tiến hành làm xét nghiệm sàng lọc gen hay kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai. Việc xét nghiệm sàng lọc gen trước khi mang thai kèm với các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân hay tiền sinh sản khác, sẽ giúp hai bạn biết được mình có mang gen đột biến, gen bệnh hay không. Từ đó, giúp cho việc có con của các bạn về sau này được an toàn và thuận lợi nhất có thể.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe !