Trăn trở cách nuôi dạy đứa con trai bướng bỉnh, khó bảo - CGTL Đinh Đoàn 17.12.2017
Em có một cháu trai năm nay 7 tuổi, lúc sinh ra cháu ở nhà ngoại vì cuộc sống vợ chồng không ở được với nhau. Em mới đón cháu về đến nay là tuần thứ 3 mà cháu học hành chểnh mảng quá, trình độ học hành rất kém, buông thả vì không có người kèm cặp. Thi thoảng em dạy dỗ thì cháu bướng không nghe lời. Em muốn hỏi giờ làm cách nào để đưa cháu vào một cuộc sống khuôn khổ hơn và dạy dỗ cháu nghe lời hơn?
CGTL. Đinh Đoàn:
Làm sao mà trước mẹ ngăn cản không cho thăm nuôi mà giờ mang hẳn con trai về sống với mình được hay vậy? "Cháu đã gọi điện cho bố, bảo chuyển trường cho con để lên ở với bố, về học với bố. Thấy con có tâm huyết ở với mình thì em đã tìm mọi cách tiếp cận và nhà trường đồng ý cho chuyển, lúc ấy có cả ông ngoại và mẹ cháu ở đó".
Nếu con là một món đồ để đôi bên giành giật thì sẽ rất vất vả, rất khó cho hai bên và hậu quả tất nhiên đứa bé phải chịu. Ví dụ mấy bữa nữa hứng lên ông ngoại rồi mẹ cháu đến trường đón, rồi lại gây khó dễ, làm phiền nhà trường vì danh chính ngôn thuận thì vẫn là vợ chồng chưa ly hôn, con ở với bố thì mẹ có quyền đón không ai ngăn cản được. Con cứ bị giật về bên này lôi về bên kia sẽ rất khổ, nên giờ mình có trách nhiệm với con như vậy là rất tốt.
Con em vẫn còn rất nhỏ, cháu cũng không phải là hư hỗn hay làm gì thái quá, chẳng qua mỗi một gia đình có một nề nếp khác nhau. Bên kia được chiều chuộng không ai gò ép, ăn lúc nào thì ăn, uống lúc nào thì uống, cháu sống tự do quen rồi nên giờ mình muốn con vào khuôn khổ thì cần thời gian. Cháu đã đi học rồi và chỉ có hai bố con nên cần phải có nề nếp. Buổi tối cần có giờ giấc học hành và chơi phù hợp. Lớp 2 thì cháu cũng hiểu chuyện rồi nên có thể tâm sự với con như "bây giờ không có mẹ, không có ai chăm sóc chỉ có hai bố con chăm sóc nhau thôi nên con phải nghe lời bố, vì bố cũng phải đi làm, không ở bên cạnh con suốt được". Từ đó xây dựng nội quy thời gian biểu cho con. Bố con mình 6 rưỡi đặt đồng hồ cùng nhau dậy, đánh răng rửa mặt đi ăn sáng, hôm thì xôi, hôm thì bánh mì. Và dặn con lúc tan học nhớ đừng chơi thập thò ngoài cửa vì bố về muộn, nên chơi trong trường đề phòng bắt cóc hay nô nghịch bị tại nạn..., bao giờ bố đến bố gọi con mới được ra.
Phân công cho con lúc về con hãy chơi chứ đừng lao vào học ngay vì lớp 2 cũng không có nhiều bài tập lắm. Trẻ con nhất là con trai cần được xả năng lượng, đôi khi cháu có nghịch đồ đạc bừa bãi một chút cũng không sao vì cả ngày ở trường đã phải khoanh chân bó gói rồi nên về nhà phải để cho con chơi. Nếu khu nhà mình rộng có xe đạp gì đó luyện tập thì tối ăn cơm xong bố con đi dạo cũng rất tốt. Quy định học từ 8 rưỡi đến 9 rưỡi, 1 tiếng thôi vì bài tập về nhà các cô tiểu học cũng không cho nhiều đâu, thậm chí còn không cho. Bên cạnh đó nên kèm cặp con học, bố làm việc của bố con làm bài tập của con, hai bố con mình cùng học. Làm chỗ dựa tinh thần cho con, mình chỉ là để mắt đến con thôi để cháu có lúc nào quay ngang quay ngửa thì mình nhắc nhở là chưa hết giờ học đâu con học đi chẳng hạn. Tạo cho con thành thói quen, thời gian đầu nên kèm cặp sau đó buông ra dần. Anh cũng nên mua thêm sách vở cho con đọc, trẻ con ngoài thời gian xem vô tuyến nghịch điện thoại thì rất cần thời gian đọc sách vì đọc sách làm cho tâm tính con người ta tĩnh tâm lại và tính tình thuần hơn hiền hòa hơn. Con trai mình cũng hiểu chuyện rồi, nó biết biết nó đang đứng giữa hai làn đạn, bố đánh thì gọi cho mẹ mách hôm nay bố đánh con và ngược lại, vì thế nếu chủ quan thì cháu sẽ nghĩ bên này không tốt rồi đòi qua bên kia. Mình không nên gò ép và uốn nắn quá nặng nề dành cho con.
Chúc em sớm giải quyết được vấn đề với cậu con trai của mình!